Thứ hai | Ngày: 07/04/2025 |
Giải ĐB | 11965 |
Giải nhất | 48340 |
Giải nhì | 77981 - 34283 |
Giải ba | 25198 - 28417 - 98555 - 35125 - 75915 - 49548 |
Giải tư | 5721 - 6167 - 3394 - 9807 |
Giải năm | 0075 - 2558 - 0449 - 5144 - 4297 - 7563 |
Giải sáu | 916 - 246 - 131 |
Giải bảy | 15 - 53 - 13 - 45 |
Home
»
Người Cao Tuổi
»
Bài viết đang xem:
Tìm Hiểu Đặc Điểm Tâm Sinh Lý Người Già
1.11.14
I. ĐẶT VẤN ĐỀ NGƯỜI CAO TUỔI
Khi tiếp cận nghiên cứu tình trạng sức khoẻ con người dưới nhiều góc độ khác nhau, chúng ta không thể không xét đến các nhân tố cấu thành sức khoẻ, như Tổ chức y tế thế giới đưa ra: “sức khoẻ không chỉ là trạng thái không bệnh, không có tật chứng, mà còn là trạng thái hoàn toàn thoải mái về mặt cơ thể, tâm thần và xã hội”. Các nhân tố cơ thể, tâm thần và xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá tình trạng sức khoẻ chung của con người. Khi nghiên cứu nguyên nhân dẫn đến bệnh lý nói chung, đặc biệt là bệnh tâm thần, bằng phương pháp tâm sinh lý xã hội, nhiều tác giả cho rằng rối loạn tâm thần là do những tác động qua lại liên tục của những yếu tố sinh học, xã hội và tâm lý [5], [9], [10]. Nói cách khác, các biểu hiện rối loạn tâm lý của con người là do sự tác động qua lại không ngừng giữa các yếu tố bên ngoài (văn hoá, tình hình xã hội hiện tại, các mối quan hệ với người khác,…) và những yếu tố bên trong (thái độ, chức năng não bị thay đổi,…). Tuy vậy, dù là yếu tố bên ngoài hay bên trong, xét cho cùng, những biểu hiện rối loạn cơ chế tâm – sinh học đã đưa đến các loại hình bệnh lý tâm thần – cơ thể (gọi là bệnh tâm – thể) phong phú, đa dạng, gặp ở các độ tuổi khác nhau có nét riêng biệt, đặc biệt là ở người cao tuổi, mà các thầy thuốc hàng ngày phải đối mặt giải quyết [4],[9],[17].
Với mục đích tiếp cận phát hiện sớm, đánh giá đúng tình trạng sức khoẻ người cao tuổi trong trạng thái bình thường và bệnh lý, từ đó đề ra các phương pháp điều trị thích hợp có hiệu quả ở lứa tuổi này, tác giả trình bày có hệ thống về đặc điểm tâm - sinh lý người cao tuổi, và đó cũng là tiêu điểm của học phần này.
Trong học phần này, tác giả tập trung trình bày có hệ thống các phần sau đây:
- Người cao tuổi và sự lão hoá
- Đặc điểm tâm – sinh lý người cao tuổi, trong đó trình bày:+ Mối quan hệ cơ thể – tâm thần, hội chứng tâm – sinh học.
+ Đặc điểm sinh lý người cao tuổi và quá trình lão hoá
+ Đặc điểm sinh lý người cao tuổi - Những thay đổi của cơ thể trong quá trình lão hoá
+ Đặc điểm tâm lý người cao tuổi - Những biểu hiện của biến đổi tâm lý trong quá trình lão hoá
- Tiếp cận khám và điều trị các rối loạn tâm – sinh lý người cao tuổi.
II. NGƯỜI CAO TUỔI VÀ SỰ LÃO HOÁ
Muốn nghiên cứu đặc điểm tâm – sinh lý người cao tuổi, trước hết phải tìm hiểu thế nào là người cao tuổi và sự lão hoá. Người cao tuổi còn gọi là người cao niên hay người già, đó là những người lớn tuổi, thường có độ tuổi từ 60 tuổi trở lên. Theo Pháp lệnh người cao tuổi Việt Nam (số 23/2000/ PL-UBTVQH): “Người cao tuổi có công sinh thành, nuôi dưỡng, giáo dục con cháu về nhân cách và vai trò quan trọng trong gia đình và xã hội”. Trong cộng đồng, người cao tuổi là người được phụng dưỡng, chăm sóc, động viên tinh thần, tôn trọng nguyện vọng chính đáng, và họ là những người có tâm sinh lý đặc trưng - thích sum họp gia đình, con cháu, bạn bè.
Tìm hiểu người cao tuổi và sự lão hoá, người thầy thuốc phải tiếp cận nghiên cứu sự phát triển của người, vòng đời người. Sự hiểu biết về vòng đời người, về những thách thức của từng giai đoạn sống và sự tác động của các sự kiện trong đời sống lên sức khoẻ thể chất và tâm lý, nhằm tăng khả năng của người thầy thuốc để giúp cho người bệnh cao tuổi được tốt hơn trong chẩn đoán và điều trị các rối loạn tâm sinh lý.
Sự phát triển của người bắt đầu từ thơ ấu, đến tuổi vị thành niên, đến tuổi trưởng thành sớm và trung niên, và cuối cùng là giai đoạn cao tuổi. Quan điểm về sự phát triển của người bao gồm các nhân tố sinh lý học và tâm lý xã hội. Thường sự thay đổi của cơ thể và sự biến đổi tâm lý xã hội đi cùng với nhau. Mặt khác, người ta cũng thấy thường những “biến động” có tính chất stress đánh dấu sự chuyển đổi cần thiết từ một giai đoạn này sang một giai đoạn khác của đời sống con người [6],[15].
Theo nghiên cứu của các tác giả, đời sống của con người được chia ra các giai đoạn như sau:
22-29 tuổi: trưởng thành sớm
30-39 tuổi: ổn định
40-45 tuổi: khủng hoảng giữa cuộc đời
45-60 tuổi: trung niên
58-68 tuổi: người già còn trẻ “những năm vàng”.
Trên 75 tuổi: người già cao tuổi
Người già được qui định tuổi 65 hoặc già hơn, nhóm ít tuổi: 65-74 tuổi, trung bình: 74-84 tuổi, cao tuổi nhất là trên 85 tuổi [5].
Ngoài ra, các tác giả còn chia ra vòng đời cá thể và vòng đời gia đình:
Vòng đời cá thể:
Cuối tuổi vị thành niên, đầu tuổi người lớn 30 tuổi là tuổi chuyển tiếp.
Tuổi trung niên, tuổi 50 là chuyển tiếp
Tuổi 60 trở đi là người cao tuổi
Trên 60 tuổi là tuổi già cao tuổi
Vòng đời gia đình:
18-21 tuổi: giữa các gia đình, người lớn và trẻ em không bị ràng buộc
22-27 tuổi: đôi vợ chồng mới (gắn bó các gia đình qua hôn nhân).
28-39 tuổi: gia đình có trẻ nhỏ
34-49 tuổi: gia đình có vị thành niên
50-60 tuổi: con cái trưởng thành và hoạt động
Trên 60 tuổi: gia đình và tuổi già.
Nghiên cứu vòng đời người, các giai đoạn của vòng đời gia đình và vòng đời cá thể cho chúng ta thấy và nhận biết được đâu là sự phát triển bình thường và đâu là sự phát triển bất thường, tiên lượng được những vấn đề tiềm ẩn trong đời sống cá nhân để có thể có những biện pháp tác động thích hợp. Theo đó, các tác giả đã đưa ra cấu trúc một gia đình truyền thống hay còn gọi là gia đình hạt nhân nhằm cho thấy quan hệ của người cao tuổi (người già) trong cấu trúc gia đình đó, cấu trúc đó gồm chồng, vợ và các con cái cùng chung sống một nhà, với những quan hệ khăng khít họ hàng (những người ngoài gia đình hạt nhân có quan hệ huyết thống hay hôn nhân).
Như vậy, khi nói đến người cao tuổi (người già), về khía cạnh y sinh học và tâm lý học, người cao tuổi phải trải qua các giai đoạn phát triển và biến thoái đến giai đoạn cuối của vòng đời người, vòng đời cá thể, và trong đó diễn ra những biến động tâm – sinh lý qua các vòng đời gia đình.
Lão hóa (tiếng Anh: Senescence, xuất phát từ senex nghĩa là “người già”, “tuổi già”) là trạng thái hay quá trình tạo nên sự già nua. Khái niệm người già và sự lão hóa, xét trong giới hạn qui luật tâm – sinh học về sự phát sinh diễn biến của đời người, có thể coi đây là giai đoạn hóa già (thoái hóa) của cơ thể con người, đặc biệt về hiện tượng sinh lý, tâm lý và xã hội. Về sinh học, có hiện tượng tự phá hũy các gen (chết theo chương trình), hiện tượng mất gen kết thúc, hiện tượng tổn thương các gốc tự do, tổn thương trong ty lạp thể, ... [2],[13] (sẽ được trình bày trong phần đặc điểm sinh lý và sự lão hóa). Về khía cạnh tâm lý, vòng đời cá thể và vòng đời gia đình đã cho thấy sự biến đổi tất yếu như một qui luật tiến triển của đời sống tâm sinh lý con người trong từng giai đoạn theo cuộc sống cá nhân, gia đình và xã hội. Trong đó, xét đến sự tác động của yếu tố trãi nghiệm trong thời kỳ trẻ tuổi, sự đầm ấm của gia đình, sự nâng đỡ hiện tại trong mối quan hệ của vợ chồng, gia đình, bạn bè, sự đảm bảo về tài chính, kể cả sự hài lòng hay không về tình trạng công việc, sinh hoạt của cá nhân. Các thành tố đó liên quan rất chặt chẽ đến người già, và có thể đo lường được qua kỷ năng ứng xử.
III. ĐẶC ĐIỂM TÂM - SINH LÝ NGƯỜI CAO TUỔI
3.1. Mối quan hệ cơ thể - tâm thần, hội chứng tâm - sinh học
Như trong phần II (người cao tuổi và sự lão hóa), tác giả đã tổng quan các giai đoạn phát triển và biến thoái của vòng đời người, vòng đời cá thể, với những biến đổi tâm lý và sinh lý diễn ra trong cơ thể khó tách rời. Và điều đó, trong thực hành lâm sàng các chuyên khoa, không riêng gì ở chuyên khoa tâm thần, đòi hỏi người thầy thuốc phải có nhận thức đúng đắn về mối quan hệ cơ thể - tâm thần và sự hình thành hội chứng tâm – sinh học trong các bệnh lý khác nhau.
Để làm rõ mối quan hệ cơ thể - tâm thần, và hội chứng tâm - sinh học diễn ra trong hoạt động sống của con người, ngày nay, trong y học người ta càng quan tâm đến tính toàn vẹn của cơ thể, đến sự thống nhất về mặt tâm sinh lý, nhìn nhận con người là một chỉnh thể toàn vẹn, thống nhất cơ thể và tâm thần không thể tách rời. Trong phần này, tác giả tập trung trình bày cơ sở sinh lý thần kinh của hoạt động tâm lý, cũng như cơ chế sinh lý thần kinh của hoạt động cảm xúc, với sự hình thành những rối loạn tâm - sinh lý của cơ thể con người.
3.1.1. Cơ sở sinh lý thần kinh của hoạt động tâm lý
Cơ sở giải phẫu - sinh lý của tâm lý là cơ chế dưới vỏ (phần lớn) và cơ chế vỏ não (phần nhỏ). Những hoạt động dưới vỏ là cơ sở của tâm lý sơ đẳng - tương đương với hệ thống tín hiệu thứ nhất, đó là hoạt động bản năng (ăn uống, sống chết, tình dục). Hoạt động vỏ não – tâm lý ở mức cao, tương đương với hệ thống tín hiệu thứ hai. Hoạt động của vùng dưới vỏ là hoạt động của hệ thần kinh thực vật (TKTV), ở mức độ đáng kể phải phục tùng hoạt động của vỏ não.
Hoạt động tâm lý được hình thành ở những vùng dưới vỏ (gian não). Phản ứng tâm lý được thực hiện bởi tổ chức lưới - Đồi thị - Lim bic [10],[11]. Hệ Lim bic (hay còn gọi là hệ viền) là một bộ phận của não làm thành một vành đai của vỏ não vòng quanh phía trong của bán cầu não và một nhóm những cấu trúc dưới vỏ, như: hạnh nhân, tổ chức cá ngựa, vùng vách. Hệ Limbic liên quan chặt chẽ với vỏ não, cấu trúc lưới, vỏ não mới, não giữa, não trước, vùng dới đồi (hypothalamus), thuỳ trán, vân tận… Hệ này có vai trò trong điều hoà nhiều chức năng của cơ thể, như: hành vi ăn uống, hành vi sinh dục, hành vi cảm xúc, điều hoà nhịp sinh học, sự thúc đẩy động cơ và vai trò đối với trí nhớ.
Những kích thích từ môi trường bên ngoài và bên trong cơ thể được phản ánh vào trong óc con người dưới dạng những hệ thống phản xạ, tạo nên những đường liên hệ thần kinh tạm thời. Tất cả những xung động thần kinh đó đều đi qua thể lưới, hệ viền. Tại đây gây ra những thay đổi hoạt động chức năng của các cấu trúc thần kinh và hệ thống các chất hoá học thần kinh (chất dẫn thần kinh - neurotransmiters) mà phát sinh ra cảm xúc. Khi con người thể hiện tâm lý của mình, các xung động thần kinh không những truyền qua cấu trúc thần kinh lên vỏ não, mà còn hình thành những xung động từ vỏ não lan toả, xâm nhập xuống các phần thấp của hệ thần kinh trung ương và làm thay đổi những hoạt động chức năng của các cơ quan trong cơ thể thông qua ba con đường: qua đường thần kinh chủ động đến cơ xương, qua đường thần kinh thực vật đến tạng phủ, qua đường nội tiết dịch thể thông qua sự bài tiết các hormon tuyến yên.
Quá trình thể nghiệm tâm lý của con người cũng đồng thời là quá trình hưng phấn hay ức chế trong vỏ não và dưới vỏ. Do đó, hưng phấn - ức chế là cơ sở sinh lý của tâm lý. Hưng phấn làm tăng trương lực hoạt động của cơ thể, và ức chế làm giảm trương lực hoạt động của cơ thể. Rối loạn các mối tương quan động học giữa vỏ não và dưới vỏ đóng vai trò quan trọng trong rối loạn tâm lý hưng phấn hay ức chế.
3.1.2. Cơ chế sinh lý thần kinh của hoạt động cảm xúc [1],[2],[4],[7]
Trong hoạt động tâm lý, cảm xúc được coi như một hệ thống chức năng, một loại hình sinh lý học đặc biệt của các quá trình hoạt động tổng hợp và hợp nhất của vỏ não và dưới vỏ. Trên cơ sở đó, khi nghiên cứu cơ thể con người, các tác giả sử dụng phương pháp nghiên cứu tiếp cận hệ thống để làm rõ mối quan hệ tâm thần – cơ thể, trong đó:
+ Xem xét cơ thể là sự toàn vẹn cá thể về tâm lý và sinh lý
+ Sự ảnh hưởng qua lại giữa các yếu tố tâm lý và sinh lý cơ thể
Quan điểm này đã khẳng định hệ TKTV thực hiện vai trò điều hoà cơ bản và phối hợp trong hoạt động của cơ thể như một khối toàn vẹn. Vai trò quyết định của vỏ não và các phần nằm dưới vỏ: gian não, cấu tạo lưới, thân não, hệ limbic, kể cả hệ nội tiết đều ảnh hưởng đến cơ thể.
Hệ TKTV giữ vai trò trung gian giữa hệ thần kinh trung ương (TKTW) và cơ quan nội tạng, được coi là “cơ quan thể hiện cảm xúc”, “cơ quan dẫn truyền các trạng thái cảm xúc” lúc bình thường cũng như bệnh lý. Nhiều tác giả đưa ra “hội chứng tâm thần - thực vật” còn gọi là hội chứng tâm - sinh học, nhằm chỉ một quá trình sinh lý tất yếu xuất hiện trong tình huống nhất định, được coi là tuyến phòng ngự đối với sự căng thẳng về tâm lý cảm xúc thường xuyên và lâu dài đối với cá thể. Rối loạn tâm lý kéo dài làm xuất hiện những rối loạn chức năng sinh lý thần kinh thực vật - nội tạng mạn tính [4],[7].
Kennon (1927), khi nghiên cứu sinh lý cảm xúc ông đưa ra thuyết “Đồi thị của cảm xúc”, trong đó ông nhấn mạnh cảm xúc căng thẳng, lo âu, sợ hãi luôn có kèm theo tăng adrenalin máu. Trạng thái cường giao cảm đóng vai trò tích cực trong sự chuẩn bị của con vật để chiến đấu, để hoạt động. Khi sợ hãi lượng đường trong máu tăng, tăng nhịp tim, tăng huyết áp, thở gấp, đôi lúc “nổi da gà”, hoặc “lạnh toát ngời”, “dựng tóc gáy”. Trong trường hợp khác, thấy kích thích hoạt động dạ dày- ruột, run, lạnh các đầu chi. Những phản ứng TKTV đi kèm theo cảm xúc, và những phản ứng đó đã đưa các hệ thống bảo vệ cơ thể của động vật vào tình trạng sẵn sàng. Selye (1925) nghiên cứu stress cho thấy, mối quan hệ qua lại giữa cơ thể và môi trường thông qua lăng kính sự điều hoà của hệ TKTV và nội tiết. Ở đây cơ chế thần kinh là cơ sở của cảm xúc, còn các biến đổi nội tiết - thực vật của nội môi (phản ứng stress) xuất hiện dưới những khâu trung gian. Năm 1975, Anokhin phân tích cấu trúc sinh học của trạng thái cảm xúc, ông nhận thấy xuất hiện hai hiện tượng sinh học có tính qui luật như nhau, đó là sự thể hiện rối loạn chức năng hoạt động của cơ quan do tác động của cảm xúc nào đó, và những cảm giác nặng nề, buồn rầu, lo lắng, bất an trong nội tâm đã phản ảnh mức độ của sự căng thẳng cảm xúc. Rối loạn chức năng cơ thể là hậu quả của ảnh hưởng cảm xúc âm tính tác động đến các cấu trúc não. Tác động của cảm xúc âm tính càng lâu, càng mạnh sẽ làm rối loạn TKTV - nội tạng càng đáng kể và dai dẳng. Trong học thuyết sinh học về hệ thống chức năng của mình, Anotkhin đã khẳng định “con người là sự toàn vẹn về cơ thể & tâm thần, trong đó, cảm xúc được coi là hệ thống chức năng toàn vẹn về sinh lý học đặc biệt, phản ánh các quá trình hoạt động tổng hợp, thống nhất của vỏ đại não và các phần dưới vỏ não”. Bất kỳ một kích thích sinh học nào nhận từ bên ngoài hay bên trong cơ thể đều đóng vai trò yếu tố khởi động, biến cảm xúc từ dương tính thành âm tính. Cảm xúc âm tính tạo điều kiện cho việc phát sinh các rối loạn chức năng tâm –sinh lý. Tính đa dạng các rối loạn chức năng thần kinh thực vật - nội tạng thường đi kèm với những quá tải về tâm lý cảm xúc và những đặc điểm biến đổi của chúng.
Như vậy, những biến đổi tâm lý kéo dài làm xuất hiện các rối loạn chức năng sinh lý thần kinh thực vật nội tạng mạn tính. Những biến đổi về tâm lý kèm theo biến đổi sinh lý có quan hệ chặt chẽ hình thành hội chứng tâm thần – cơ thể có cơ sở sinh lý thống nhất [4],[10]. Hội chứng tâm – sinh lý này luôn và sẽ được xem xét dưới quan điểm động học lâm sàng ở các độ tuổi khác nhau trong đời sống của con người và trong từng điều kiện hoàn cảnh nhất định.
TÁC ĐỘNG CỦA TÂM LÝ
Hệ miễn dịch Hệ TKTV Vùng dưới đồi, tuyến yên
Giao cảm Phó giao cảm ACTH TRH FSH PL
Adrenalin Acetylcholin Corticoid Thyroxin Sữa
-Tim - Nhu động ruột
-HA - Đại tràng Ch.hoá > ngộ độc giáp
chuyển hoá > HCL dịch vị,
Sơ đồ tác động của tâm lý phản ánh cơ chế tâm – sinh lý, cho thấy tác động sinh lý của những cảm xúc làm biến đổi hệ thống miễn dịch, hệ thần kinh thực vật và hệ nội tiết, gây ra các rối loạn cơ thể và tâm lý. Những căn nguyên tâm lý (từ trong cuộc sống xã hội, quan hệ phức tạp trong gia đình, xung đột hàng xóm, xí nghiệp, cơ quan, nội bộ đoàn thể, tai nạn, thất nghiệp, ly hôn,…) đóng vai trò quan trọng trong việc gây ra bệnh tâm – thể. Bệnh lý tâm – thể phản ánh sự tác động của tâm lý tới các quá trình sinh lý học, cũng như phản ánh sự thống nhất giữa tâm thần và cơ thể, sự tác động qua lại của chúng đối với cơ thể một khối thống nhất, toàn vẹn [3],[14].
3.2. Đặc điểm sinh lý người cao tuổi và quá trình lão hoá
Đặc điểm sinh lý của người cao tuổi gắn liền với quá trình lão hoá. Quá trình lão hóa là quá trình tạo nên tuổi già, hay quá trình trưởng thành và già nua về mặt sinh học. Tuổi già thường kèm theo những biểu hiện giảm khả năng chống chọi với stress, mất dần cân bằng nội môi, tăng nguy cơ mắc bệnh tật. Do đó, cái chết là một kết cục cuối cùng của lão hoá. Một số nghiên cứu cho rằng yếu tố di truyền và môi trường là nhân tố tác động đến quá trình lão hóa của con người. Các gen chịu trách nhiệm 35% sự thay đổi khác nhau của tuổi thọ, các yếu tố môi trường chiếm tới 65%. Từ những nghiên cứu đó, các tác giả đưa ra một số giả thuyết về quá trình lão hóa: thuyết di truyền, thuyết gốc tự do, thuyết kích tố, thuyết miễn dịch, ... [2],[13].
Thuyết di truyền
Một số tác giả nghiên cứu sinh học của quá trình lão hóa, cho rằng thuyết di truyền là khoa học nhất, vì nghiên cứu sự hoạt động các gen trong tế bào cơ thể con người [2],[13]. Theo thuyết này, quá trình lão hóa là do các gen được lập trình để tự phá hủy (chết theo chương trình). Các gen hoạt động theo thứ tự, bất di bất dịch: sinh, lão, bệnh, tử. Các tế bào của người đều có một đời sống có giới hạn. Các tế bào chết đi sau 40-60 chu kỳ sao chép. Thời gian sống của mỗi tế bào được quyết định về di truyền học bởi hai hệ thống đối lập nhau, đó là, hệ thống kiểm soát đời sống tế bào nhờ quá trình làm hao mòn các telomere (phần cuối) ở các đầu tận cùng nhiễm sắc thể; và hệ thống kiểm soát sự tiến triển chu kì tế bào thông qua các gen p53, ADN-PK và INK4.
- Hệ thống kiểm soát đời sống tế bào nhờ quá trình làm hao mòn các telomere (phần cuối) ở các đầu tận cùng nhiễm sắc thể: ở động vật có vú, các đầu tận cùng nhiễm sắc thể được bảo vệ bằng các telomere - phần cuối (theo tiếng Hy Lạp, telo có nghĩa là cuối, còn mere có nghĩa là phần), hoặc còn gọi là gen kết thúc. Telomere có nhiệm vụ bảo đảm sự bền vững của nhiễm sắc thể, chống lại sự thoái hóa có hại, và có vai trò điều hòa gen. Khi cáctelomere trở nên quá ngắn sau mỗi lần chia đôi của tế bào thì các nhiễm sắc thể sẽ kém bền vững, không thể bám vào được màng nhân tế bào, hậu quả là các tế bào không thể phân chia được nữa, tế bào giảm tuổi thọ, tế bào chết – mất gen kết thúc.
- Hệ thống kiểm soát sự tiến triển chu kì tế bào thông qua các gen p53, ADN-PK và INK4:các nghiên cứu cho thấy, gen ADN-PK có nhiệm vụ sửa chữa những gen bị tổn thương; gen p53 không cho các gen bị tổn thương tự nhân lên, và tác động làm cho tế bào tự hủy;protein p16-INK4 là sản phẩm từ sự mã hóa gen INK4, có vai trò trong sự điều hòa chu trình tế bào ở dạng liên kết, không cho các tế bào tự làm mới, mất khả năng nhân đôi. Sự biểu hiện của p16-INK4 liên quan đến quá trình già hóa của tế bào, chi phối tới quá trình lão hóa. Khi càng lớn tuổi thì p16-INK4 sẽ càng cao.
Thuyết các gốc tự do
Các gốc tự do được hình thành từ các phản ứng sinh hóa bên trong tế bào, đó là các nguyên tử o xy “không ổn định”, được gọi là các điện tử không ghép cặp nằm ngoài quỹ đạo, sẵn sàng bám vào các phân tử quanh nó để trở thành “ổn định”. Các gốc tự do là nguyên nhân gây xáo trộn hoạt động của các ty lạp thể, bám vào các AND – nguyên liệu chính của các mật mã di truyền, gây đột biến bên trong tế bào. Nói khác đi, các gốc tự do là nguyên nhân của sự tự hủy hoại, của sự lão hóa cấp tế bào. Nó làm hư hại gen di truyền, hủy hoại toàn bộ tế bào, làm tế bào già đi, gây ra các bệnh lý tim mạch, viêm khớp, bệnh dạ dày-ruột, đục thủy tinh thể, thoái hóa võng mạc, bệnh phổi, tiểu đường, sa sút trí tuệ, parkinson, suy giảm hệ thống miễn dịch,…
Các gốc tự do sinh ra do chính hoạt động sống của mỗi tế bào và do tác động của môi trường sống ô nhiễm (bụi, bức xạ, tia phóng xạ, các chất độc) hoặc tâm lý xã hội căng thẳng, kể cả tuổi tác. Quá trình lão hóa và các bệnh lý tiến triển nhanh lên khi hệ thống chống gốc tự do của cơ thể bị quá tải hay hị phá hủy. Thí dụ, gốc tự do và hiện tượng nhăn da: Do các phân tử của chất tạo keo collagen bị các gốc tự do bám vào, gây nên “liên kết chéo”, dẫn đến cấu trúc của collagen bị xáo trộn, các tế bào của mô liên kết bị hư hại, nên da mất tính đàn hồi, các vết nhăn xuất hiện.
Thuyết kích tố
Theo thuyết này, mọi giai đoạn của đời sống đều do kích tố điều hành. Lúc nhỏ có kích tố tăng trưởng, từ tuổi dậy thì có các kích tố nam, nữ. khi sự bài tiết các kích tố này giảm đi thì cơ thể già dần, trở nên lão hoá. Các nhà khoa học đã khám phá ra một yếu tố quan trọng liên quan mật thiết đến tuổi già, đó là sự thiếu hụt hormone tăng trưởng hGH. Đây là hormone được phóng tiết bởi tuyến yên từ khi mới sinh đến lúc cao tuổi. Đến tuổi 60, lượng hGH chỉ khoảng 15-20% so với lúc trẻ. Hormone này kích thích sự tổng hợp collagen – chất có tính chất đàn hồi giúp tạo sự khoẻ mạnh, kéo dài sụn, gân, dây chằng và xương. Khi tuổi cao, do collagen giảm dẫn đến da nhăn, yếu cơ xương khớp.
Thuyết miễn dịch
Từ thực tiễn nghiên cứu, thuyết miễn dịch cho rằng cơ thể sinh ra đã được trang bị một hệ thống phòng vệ chống sự xâm nhập của các vật lạ, đó là sự miễn dịch. Miễn dịch bảo vệ cơ thể có nhiều cách. Có thể là bạch cầu trực tiếp tấn công, tiêu diệt vi trùng, nấm bệnh. Hoặc có thể là các bạch cầu đặc biệt tạo ra chất kháng thể lưu thông trong máu, làm vô hiệu hoá tác nhân ngoại nhập. Khi tuổi già, cơ thể sản xuất ít kháng thể, chất lượng kém; và đôi khi cơ thể lại tạo ra kháng thể chống lại chính mình, đưa đến cơ thể suy yếu, dễ bị viêm nhiễm, mắc bệnh, cũng như khả năng hồi phục lâu hơn.
Như vậy, các thuyết về quá trình lão hóa cho thấy qui luật tất yếu về mặt sinh học của quá trình tạo nên tuổi già. Từ đó, ở tuổi già có những đặc điểm sinh lý đặc trưng riêng.
3.3. Đặc điểm sinh lý người cao tuổi - Những thay đổi của cơ thể trong quá trình lão hoá
Khi tuổi cao, sức chống đỡ và sự chịu đựng của cơ thể con người trước các yếu tố và tác nhân bên ngoài cũng như bên trong kém đi rất nhiều. Điều đó cho thấy, đặc điểm sinh lý hay những thay đổi của cơ thể trong quá trình lão hoá ở người cao tuổi. Các nghiên cứu cho thấy, bộ não bị lão hoá giảm thể tích ở hầu hết các vùng dễ bị tổn thương: thuỳ trán 10%, hạch nền 20%, chất liềm đen 35%, hồi hải mã 40%, toàn bộ chất trắng 15% (một phần do mất myelin) [2],[13].
- Những thay đổi của cơ thể trong quá trình lão hoá, trước hết đó là sự thay đổi diện mạo bề ngoài, như da nhăn, tóc bạc, lưng khòm, đi đứng chậm chạp, mọi phản ứng đều chậm, …
- Ăn uống mất ngon vì tế bào vị giác trên lưỡi ngày một ít đi, miệng khô vì tuyến nước bọt giảm bài tiết, thiếu hụt về dinh dưỡng (nồng độ protein huyết thanh thấp, thiếu vitamin B12, acid folic).
- Mất cơ và giảm đậm độ của xương.
- Tế bào thần kinh bị huỷ diệt dần mà không được thay thế, lượng máu nuôi dưỡng cho não giảm, suy nghỉ chậm chạp, rối loạn, nhầm lẫn.
- Hệ thống các chất trung gian dẫn truyền thần kinh thay đổi: adrenergic, Noradrenergic, serotoninergic, dopaminergic bị giảm.
- Thuỷ tinh thể của mắt cứng đục, võng mạc kém nhạy cảm với ánh sáng, thị giác giảm khi nhìn sự vật ở gần hay trong bóng tối.
- Tai nghe nghễng ngãng, khó bắt được các âm thanh có tần số cao, kể cả tiếng nói bình thường.
- Khứu giác kém, mũi khó phân biệt và tiếp nhận được mùi của thực phẩm, hoá chất.
- Nhịp tim chậm, lưu lượng máu qua tim giảm, cơ tim xơ cứng, dễ bị suy tim, dễ bị ngất xỉu. Người già dễ bị các bệnh lý tim mạch.
- Hơi thở ngắn, nhanh, dễ bị khó thở do lượng dưỡng khi trong máu giảm, dễ mệt khi làm việc chân tay.
- Gan teo, thể tích gan nhỏ, lượng máu qua gan giảm, giảm hoạt động các men oxy hóa, chức năng thanh lọc độc chất kém hữu hiệu. Do đó, thuốc chuyển hóa qua gan chậm, tăng thời gian bán hủy các thuốc.
- Thận nhỏ lại, máu đi qua thận giảm, tốc độ lọc cầu thận giảm, khả năng bài tiết kém, bàng quang co bóp yếu, gây chứng khó tiểu và tiểu tiện không tự chủ, tuyến tiền liệt xơ hoá, gây bí tiểu,… Do đó, dẫn tới tăng nồng độ thuốc thải trừ qua thận (như li thium, solian).
- Lớp mỡ dưới da teo, tuyến mồ hôi và tuyến nhờn kém hoạt động, gây da khô, nhăn nheo, dễ bị tổn thương, ít chịu đựng được, giảm thể tích nước và khối lượng cơ thể nhỏ, nồng độ albumin huyết thanh thấp,.. Do đó, sẽ làm tăng thời gian bán hủy, tăng nồng độ các thuốc tan trong nước, trong rượu, tăng nồng độ trong huyết thanh của các thuốc gắn với protein (như các thuốc hướng thần).
- Hệ thống miễn dịch yếu, sự sản xuất kháng thể bị trì trệ, cơ thể dễ bị nhiễm khuẩn, bệnh tật dễ trầm trọng hơn..
- Đời sống tình dục suy giảm.
Từ những cơ sở sinh lý về sự thay đổi của cơ thể người cao tuổi, các nhà nghiên cứu tuổi già cho thấy, ở độ tuổi này cần lưu ý hai điểm:
Thứ nhất, người già dễ bị mắc bệnh. Do quá trình lão hóa, nên sức đề kháng của cơ thể người già giảm đối với các yếu tố gây bệnh (nhiễm khuẩn, nhiễm độc, các stresss cơ thể và tâm lý). Ngoài các bệnh lý mạn tính từ các giai đoạn trước đó để lại, người già còn mắc thêm các bệnh khác, như cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, đái tháo đường, tai biến mạch máu não, parkinson, Alzheimer, các bệnh về xương khớp, bệnh phổi, phế quản, hoặc ung thư… Hậu quả của bệnh tật đã làm thay đổi mạnh mẽ, sâu sắc tâm lý và nhân cách của người cao tuổi (sẽ nói trong phần sau).
Thứ hai, dược động học các thuốc (quá trình hấp thu, phân bố, chuyển hoá, bài tiết), đặc biệt là thuốc hướng thần ở người già có sự khác biệt so với người trẻ. Thuốc được hấp thu qua ống tiêu hóa ở dạ dày chậm, do dòng máu tới tạng giảm; sự phân bố thuốc trong cơ thể, do tùy thuộc vào thể tích nước và trọng lượng cơ thể giảm, nồng độ albumin huyết thanh thấp, nên thời gian bán hủy các thuốc tăng, đặc biệt khi thuốc chuyển hóa qua gan; thải trừ thuốc qua thận giảm do tốc độ lọc cầu thận giảm, do đó tăng nồng độ của các thuốc được thải trừ qua thận. Đặc điểm dược động học các thuốc cho thấy, khi sử dụng các thuốc hướng thần cho người già, cần chú ý các biến chứng có thể xãy ra, như ngã do buồn ngủ, hạ huyết áp, hội chứng parkinson do sử dụng thuốc chống loạn thần, lú lẫn do dùng các thuốc kháng cholinergic (chống trầm cảm ba vòng) và dopaminergic, loạn động muộn do thuốc chống loạn thần điển hình (gặp 25% trường hợp) [8],[12],[16].
Như vậy, các giả thuyết về quá trình lão hoá đã minh chứng cho đặc điểm sinh lý và những thay đổi của cơ thể người cao tuổi, được coi như một qui luật tất yếu về sự phát triển của người, vòng đời người, vòng đời cá thể đã trình bày ở phần II (người cao tuổi và sự lão hoá).
3.4. Đặc điểm tâm lý người cao tuổi - Những biểu hiện của biến đổi tâm lý trong quá trình lão hoá
Nghiên cứu đặc điểm tâm lý của người cao tuổi, các tác giả cho thấy tuổi già có những biểu hiện tâm lý liên quan đến quá trình lão hóa.
- Sự chậm chạp về tâm lý vận động: một động tác nhưng mất nhiều thời gian, sự lẫn lộn về thời gian, rối loạn trí nhớ: khó khăn trong việc tái hiện, có thể nhớ được khi có sự gợi ý, có khi lú lẫn, do liên quan đến sự suy giảm ý thức và tập trung chú ý.
- Về tư duy: suy nghỉ chậm chạp, liên tưởng chậm, ý tưởng tự ti, tự cho mình là thấp kém, nặng hơn có thể có hoang tưởng bị tội, bị hại, nghi bệnh,…
- Về tri giác: giảm tốc độ xử lý thông tin, có sự suy giảm về tri giác giác quan (thao tác cấp cao) nên nhận thông tin chậm, đôi khi bị nhiễu.
- Khó tập trung chú ý hoặc chú ý giảm, cảm xúc dao động liên quan đến sự lão hóa hệ viền, cấu tạo lưới. Những biến đổi tâm lý nặng có thể có lo âu, trầm cảm. Những biểu hiện của lo âu rất đa dạng, phức tạp: cảm giác sợ hãi, lo lắng thái quá về sức khoẻ của mình, lo lắng về tương lai, khó tập trung tư tưởng, dễ cáu, khó tính, căng thẳng vận động, bồn chồn, đứng ngồi không yên, đau đầu, khô miệng, đánh trống ngực. Những biểu hiện của trầm cảm ở người già thường thấy là cảm giác buồn phiền, chán nản, bi quan, mất hứng thú với những ham thích trước đây, mất niềm tin vào tương lai, giảm nghị lực, giảm tập trung, rối loạn giấc ngủ, ăn không ngon miệng, và họ có thể trở nên suy kiệt.
Như vậy, trong quá trình lão hóa, cùng với những thay đổi chức năng sinh lý các hệ thống cơ quan trong cơ thể, các nghiên cứu cũng nhận thấy có những biến đổi về tâm lý ở người cao tuổi. Bởi vậy, có thể nói ngoài các bệnh cơ thể mà người già dễ bị mắc, thì các rối loạn tâm lý cũng là “bạn đồng hành” của họ. Các rối loạn tâm lý ở người cao tuổi rất phong phú và đa dạng. Những biểu hiện thường thấy là từ cảm giác khó chịu, lo lắng, đến các rối loạn thần kinh chức năng, như mệt mỏi, uể oải, đau nhức, rối loạn giấc ngủ, lo âu, ám ảnh, nặng hơn có thể có các rối loạn loạn thần như hoang tưởng, ảo giác, rối loạn trí nhớ, rối loạn ý thức, rối loạn các năng lực phán đoán suy luận,… như đã trình bày ở trên. Có thể nói, đây là giai đoạn có nhiều biến đổi tâm lý đặc biệt ở người cao tuổi; và các rối loạn tâm lý đó có liên quan trước hết đến các stresss của việc thích nghi với hoàn cảnh sống mới, khi phải chuyển từ giai đoạn làm việc tích cực đến giai đoạn nghỉ hưu. Bởi vì, sau khi nghỉ hưu những người cao tuổi phải trải qua hàng loạt các biến đổi tâm lý quan trọng do thay đổi nếp sinh hoạt, cũng như sự thu hẹp các mối quan hệ xã hội. Lúc này, ở họ xuất hiện tình trạng khó thích nghi với giai đoạn nghỉ hưu, và dễ mắc “hội chứng về hưu”, với tâm trạng buồn chán, mặc cảm, thiếu tự tin, dễ nổi giận, cáu gắt. Do đó, họ trở nên sống cô độc và cách ly xã hội.
Theo các nghiên cứu khác nhau năm 2004 [5],[8], cho thấy có tới 40-50% người già có rối loạn tâm thần phải nhập viện điều trị, 70% người già phải nằm trong các nhà điều dưỡng. Các rối loạn tâm thần quan trọng nhất ở người già là lo âu (5,5%), trầm cảm (10-15%) và sa sút trí tuệ (4%). Rối loạn trầm cảm và lo âu là thường gặp trong cộng đồng, trong đó 20% bệnh nhân nằm trong thực hành đa khoa, 30 - 40% bệnh nhân điều trị nội trú nội khoa, 40% bệnh nhân nằm ở nhà điều dưỡng. Trong các dưới nhóm của sa sút trí tuệ, thường gặp bệnh Alzheimer (60-70%), và một tần suất thấp hơn sa sút trí tuệ do mạch máu (20%), sa sút trí tuệ thể Lewy (20%), sa sút trí tuệ trán thái dương (8%). Những biểu hiện đặc trưng của sa sút trí tuệ thường gặp ở người cao tuổi là rối loạn nhiều chức năng nhận thức, trong đó rối loạn trí nhớ là cơ bản nhất, và một trong các biểu hiện vong ngôn, vong tri, vong hành, rối loạn chức năng điều hành. Các rối loạn này gây ảnh hưởng đáng kể đến chức năng xã hội và nghề nghiệp, làm suy giảm đáng kể mức độ các hoạt động chức năng trong sinh hoạt trước đó.
Trong bệnh Alzheimer, rối loạn trí nhớ là dấu hiệu đầu tiên của suy giảm nhận thức, người bệnh có thể đặt nhầm chổ đồ vật, quên hay tự lặp lại, hoặc rối loạn biểu đạt và tiếp nhận ngôn ngữ, hỏi đi hỏi lại một câu hỏi, bị lạc ở những chổ quen thuộc, không thể nhận ra người thân và bạn bè. Các rối loạn trong hoạt động cho sinh hoạt (nấu ăn, mua sắm, quản lý tiền nong, sử dụng các đồ gia dụng…), các rối loạn hành vi (lục lọi, xáo trộn đồ đạc, mắng chửi, đánh đá, đi lang thang, hoặc mất ức chế tình dục…), rối loạn cảm xúc (trầm cảm, vô cảm, lo âu…), và loạn thần (hoang tưởng, ảo giác) cũng thường thấy ở người già bị bệnh Alzheimer.
Ngoài ra, người ta còn nhận thấy một số rối loạn loạn thần giống tâm thần phân liệt, như các hoang tưởng “bị cô lập, bị truy hại”, “các ảo thanh, ảo khứu, ảo giác xúc giác”.
Từ những nghiên cứu trên cho chúng ta thấy được đặc điểm tâm -sinh lý, và những thay đổi của cơ thể, cũng như những biến đổi của tâm lý rất phong phú và đa dạng ở người cao tuổi gắn liền với quá trình lão hoá, quá trình tạo nên tuổi già. Trong quá trình lão hóa, ngoài phát hiện những thay đổi chức năng sinh lý các hệ thống cơ quan trong cơ thể, người ta cũng nhận thấy những biến đổi về tâm lý nhiều mức độ khác nhau ở người cao tuổi. Nghĩa là, ở người già thường xuất hiện những rối loạn tâm thần đặc trưng (như trình bày ở trên), cũng như các bệnh lý cơ thể thường gặp ở lứa tuổi này. Từ đó, giúp cho người thầy thuốc có cách nhìn tổng quan trong việc tiếp cận khám và điều trị các rối loạn tâm – sinh lý người cao tuổi, nhằm đưa lại hiệu quả trong việc chăm sóc sức khoẻ thể chất và tâm thần cho người cao tuổi trong cộng đồng.
IV. TIẾP CẬN KHÁM VÀ ĐIỀU TRỊ CÁC RỐI LOẠN TÂM – SINH LÝ NGƯỜI CAO TUỔI
Như phần trên đã trình bày, các bệnh nhân tuổi già có nhiều rối loạn về khả năng hoạt động tâm lý và sinh lý rất đa dạng. Việc tiếp cận khám xét, chẩn đoán và quản lý điều trị các rối loạn tâm thần và bệnh cơ thể ở người cao tuổi là cần thiết. Tiếp cận khám bệnh người cao tuổi, cần tuân thủ các nguyên tắc cơ bản:
Lần gặp gỡ ban đầu
Trong khi tiếp cận bệnh nhân già, lần gặp gỡ ban đầu là rất quan trọng. Bởi vì, lần gặp đầu tiên giữa thầy thuốc và bệnh nhân già sẽ đặt nền tảng cho mối quan hệ tốt đẹp lâu dài. Người già cảm thấy hài lòng, và xây dựng được lòng tin qua thái độ chăm sóc mang tính nghề nghiệp của người thầy thuốc. Đặc biệt, khi tiếp xúc với người già chậm chạp, nghe kém, thiếu kiên nhẫn, trả lời câu hỏi một cách huyên thuyên, đòi hỏi người thầy thuốc phải có nghệ thuật tiếp xúc thì mới thu thập được những thông tin, số liệu cần thiết cho chẩn đoán.
Đánh giá bệnh nhân già
Ngay từ khi gặp gỡ, nên có một sự đánh giá chung về khả năng giao tiếp của bệnh nhân qua việc đánh giá khả năng nghe, hiểu, tình trạng tâm thần và khả năng nói của họ. Việc đánh giá bệnh nhân già bao gồm khai thác về tiền sử, khám thực thể, trong đó đánh giá khả năng thực hiện các chức năng của bệnh nhân, những nhu cầu đặc biệt và khả năng đối phó trong môi trường sống của họ; đồng thời làm các xét nghiệm cần thiết.
- Về tiền sử, các thông tin phải được khai thác qua bệnh nhân và người nhà của họ. Một phần chủ yếu của tiền sử là đánh giá các hoạt động sinh hoạt hàng ngày (ăn uống, tắm, mặc quần áo, đi vệ sinh, sự đi lại, quản lý tiền, nấu ăn, công việc nhà, sử dụng điện thoại,...) của người bệnh. Những hoạt động này là cốt yếu cho việc duy trì độc lập trong gia đình và hoạt động trong sinh hoạt hàng ngày là cơ bản. Một vài nghiên cứu đã chỉ ra rằng, mất khả năng độc lập trong việc thực hiện các chức năng sinh hoạt hàng ngày có liên quan trực tiếp đến nhu cầu chăm sóc của gia đình và sự cần thiết của một cơ sở chăm sóc lâu dài [12],[13],[15]. Việc thăm dò những khả năng thực hiện các hoạt động sinh hoạt tối thiểu hàng ngày là cần thiết để đánh giá khả năng của bệnh nhân có hay không đối phó với môi trường đang sống hiện tại của họ. Những hoạt động sinh hoạt tối thiểu hàng ngày đó nếu bị ảnh hưởng, thì có thể nghỉ tới liên quan đến các bệnh mạn tính như viêm khớp, sa sút trí tuệ, bệnh mạch máu não đối với người già biểu hiện thầm kín, không điển hình mà không được chẩn đoán. Ngoài ra, người thầy thuốc còn đánh giá sự đáp ứng điều trị của bệnh nhân trong việc làm thay đổi nào về khả năng thực hiện các chức năng sống.
Ngoài thu thập tiền sử trên bệnh nhân, cũng cần chú trọng đến tiền sử gia đình, về sự tồn tại và tính ổn định của những hỗ trợ manh tính xã hội hơn là những bệnh trong gia đình. Từ đó, giúp cho người thầy thuốc nhận biết được ai là thành viên quan trọng trong gia đình trong việc chăm sóc, điều trị, hoặc cho bệnh nhân đi khám lại. Đồng thời, đánh giá hệ thống hỗ trợ cho bệnh nhân của các thành viên trong gia đình, hàng xóm, bạn bè, những người tình nguyện, các cơ sở dịch vụ xã hội, và những cơ sở chăm sóc sức khỏe tại nhà như thế nào, xem xem có hiện tượng ngược đãi hoặc sao lãng đối với người già không.
Cuối cùng, sự khai thác tỷ mỷ nhằm thu thập tiền sử về điều trị của người già cũng không kém phần quan trọng. Bởi vì, bệnh nhân già dễ bị tác dụng phụ của thuốc hoặc phản ứng thuốc gấp hơn 3-7 lần so với bệnh nhân trẻ. Khi tiếp cận với bệnh nhân, cần hỏi họ đã và đang sử dụng những thuốc không kê đơn và những thuốc do thầy thuốc kê đơn như thế nào, và cũng cần tư vấn cho họ thuốc nào có thể ngừng do tác dụng có hại, thuốc nào có thể tiếp tục sử dụng với liều lượng và thời gian hợp lý, mà không có sự phản đối của bệnh nhân và gia đình của họ.
- Về khám thực thể, những khía cạnh đặc biệt quan trọng đối với bệnh nhân già bao gồm: tình trạng tâm thần, khả năng nghe, khả năng nói, tình hình răng lợi, da, khớp, chân, dáng đi, biểu hiện của hạ huyết áp khi đứng, biểu hiện của xơ vữa động mạch (cao huyết áp, dấu hiệu xuất huyết, mạch yếu hoặc không có mạch), dấu hiệu của khối u tân sinh, phì đại tuyến tiền liệt,...
+ Việc khám thực thể người già cần chú trọng vào khả năng thực hiện các chức năng, như nhìn bệnh nhân làm các động tác bỏ giày, đứng lên khỏi ghế, đi lại trong phòng.
+ Khám những dấu hiệu sống còn (kiểm tra huyết áp khi nằm và khi đứng, đếm mạch đầy đủ trong một phút để đánh giá sự bất thường về số lần mạch đập và tính chất nhịp đập).
+ Khám thực thể phát hiện những thay đổi về giải phẩu và sinh lý ở người cao tuổi, như giảm tính đàn hồi, độ khô của da, mạch máu kém đàn hồi nên có thể tim có tiếng thổi tâm thu, hoặc nhược cơ, phản xạ gân xương giảm, loãng xương,...
+ Khám và đánh giá tình trạng tâm thần là một khía cạnh cần được chú trọng đối với người già. Việc phát hiện sớm bệnh sa sút trí tuệ là một mục tiêu được đưa ra trong chăm sóc ban đầu. Muốn vậy, người thầy thuốc cần tiếp cận hỏi kỹ về trí nhớ, sự định hướng, chức năng trí tuệ, khả năng phán đoán và suy luận, kể cả biểu lộ cảm xúc của người bệnh,... nhằm phát hiện sự rối loạn chức phận nhận biết tinh tế.
- Các xét nghiệm và những nghiên cứu đặc biệt khác. Các xét nghiệm cho người già nên được chọn một cách cẩn thận.
+ Do khối lượng cơ giảm, lượng creatinin trong máu giảm theo tuổi đánh giá chức năng của thận giảm, nên việc dùng thuốc cho người già phải đúng liều.
+ Do sự kém hoặc không dung nạp Glucose là thường gặp ở người già, và lượng Glucose có thể tăng sau khi ăn trong huyết thanh, nên cần định lượng Glucose huyết thanh nhằm giúp chẩn đoán đái tháo đường ở người già.
+ Phân tích lượng Feritin trong huyết thanh nhằm để xác định thiếu máu thiếu sắt ở người già.
+ Đánh giá về nhận thức là cốt lõi của quá trình làm chẩn đoán. Đối với người bị bệnh nhẹ, những thiếu sót về nhận thức có thể được che dấu, khó phát hiện rõ trên lâm sàng, nên sử dụng các trắc nghiệm đánh giá về nhận thức mới tạo khả năng kiểm tra và có tính quyết định chẩn đoán. Bảng đánh giá tối thiểu trạng thái tâm thần (MMSE) cho kết quả giúp phân biệt sự tổn thương nặng nề quá trình nhận thức trong bệnh Alzheimer với các bệnh lý khác (như bệnh lý mạch máu não, sa sút trí tuệ trong Lewy,...)
Điều trị bệnh nhân già
+ Vấn đề kê đơn thuốc cho người già. Dược động học thuốc ở người già khác so với người trẻ về sự hấp thu, sự phân bố, chuyển hoá và bài tiết. Nên đối với bệnh nhân già, dùng thuốc càng ít càng tốt, ngừng các thuốc không cần thiết, theo dõi thường xuyên sự tuân thủ đơn thuốc của họ về kết quả điều trị, và độc tính, vì người già nguy cơ có nhiều tác dụng không mong muốn. Cũng vì vậy, khi sử dụng thuốc cho người già, phải bắt đầu từ liều thấp, liều bắt đầu có thể từ 25 – 50% của liều bình thường người lớn rồi tăng dần dần lên đến liều có hiệu quả.
+ Các thuốc hướng thần chỉ đóng vai trò hạn chế trong các bệnh lý tâm thần người già, và có khả năng làm cho lú lẫn nặng thêm, gây rối loạn sự thăng bằng và gây ngã.
+ Các thuốc gây ngủ, giải lo âu làm mất lo âu, kích động, nhưng có thể dẫn đến buồn ngủ, mất điều hoà và ngã.
+ Các thuốc chống loạn thần làm giảm lo âu, kích động ban ngày, điều trị các hoang tưởng, ảo giác, nhưng có thể gây ra triệu chứng giống parkinson, akathisia và loạn động muộn. Mặt khác, do các tác dụng phụ liên quan đến liều lượng thuốc, nên ngay từ đầu cần cho liều tối thiểu.
+ Các thuốc bình ổn khí sắc (carbamazepine, valproate) được sử dụng chọn lọc để điều trị kích động, và dao động cảm xúc.
+ Các thuốc chống trầm cảm ba vòng có tác dụng kháng cholinergic, nên thường làm nặng thêm trạng thái lú lẫn.
+ Tất cả các thuốc hướng thần đều có thể gây ra mê sảng, nhất là các thuốc kháng cholinergic, L-dopa, các thuốc gây ngủ, các thuốc corticosteroit và các thuốc chống co giật. Các thuốc này phải được chỉ định thận trọng đối với bệnh nhân sa sút trí tuệ.
Tóm lại, việc tiếp cận khám xét, chẩn đoán và quản lý điều trị các rối loạn tâm thần và bệnh cơ thể ở người già, đòi hỏi người thầy thuốc trước hết phải nhận biết một cách đầy đủ và khoa học về đặc điểm sinh lý và tâm lý, những thay đổi của cơ thể và tâm thần trong quá trình lão hoá ở người cao tuổi. Nói khác đi, sự tiếp cận khám xét người già phải được chú trọng trong lần khám đầu tiên, tiếp đến là sự đánh giá tổng quan bệnh nhân từ tiền sử cá nhân người bệnh, đến tiền sử gia đình và xã hội liên quan đến việc chăm sóc bệnh nhân già là cần thiết, cũng như tiền sử về điều trị của bệnh nhân già trước đây là không thể thiếu được trong khai thác tiền sử. Tất cả đó nhằm giúp cho người thầy thuốc có đầy đủ những căn cứ số liệu lâm sàng chính xác để chẩn đoán đúng, đánh giá đúng tình trạng bệnh lý về tâm thần và cơ thể ở người cao tuổi, cũng như xây dựng phương án chăm sóc, điều trị cho lứa tuổi này hợp lý có hiệu quả.
V. KẾT LUẬN
Qua nghiên cứu đặc điểm tâm lý và sinh lý người cao tuổi, chúng tôi rút ra một số nhận xét:
- Con người là một chỉnh thể toàn vẹn, thống nhất, không thể tách rời về cơ thể và tâm thần. Mối quan hệ giữa cơ thể và tâm thần, với sự hình thành hội chứng tâm – sinh học diễn ra thường xuyên trong con người ở các độ tuổi khác nhau, dưới tác động của môi trường sống và trong từng điều kiện hoàn cảnh nhất định.
- Người cao tuổi liên quan đến quá trình lão hóa – quá trình tạo nên sự già nua, theo qui luật tâm – sinh học về sự phát sinh, diễn biến của đời người. Đây được gọi là giai đoạn hóa già (thoái hóa) của cơ thể con người về các hiện tượng sinh lý, tâm lý và xã hội.
- Đặc điểm sinh lý của người cao tuổi gắn liền quá trình lão hóa. Tác động đến quá trình lão hóa có nhiều yếu tố được chỉ ra trong các giả thuyết: thuyết di truyền, thuyết gốc tự do, thuyết kích tố, thuyết miễn dịch,... phản ánh qui luật tất yếu về mặt sinh học của quá trình tạo nên tuổi già, để có những đặc điểm sinh lý riêng đặc trưng cho lứa tuổi này.
- Trong quá trình lão hóa, do sự thay đổi về đặc điểm sinh lý nên sức chống đỡ và sự chịu đựng của cơ thể người già kém đi rất nhiều trước những tác nhân bên ngoài và bên trong có thể. Trong giai đoạn này, người già dễ bị mắc các bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc, các stress cơ thể và tâm lý.
- Quá trình lão hóa làm biến đổi về tâm lý nặng nề, nên thường gặp ở người già các rối loạn tâm thần, như lo âu, trầm cảm, rối loạn nhiều chức năng nhận thức liên quan đến sa sút trí tuệ do Alzheimer, do mạch máu,...
- Do đặc điểm tâm lý và sinh lý người già có những biến đổi cùng với quá trình lão hóa, khả năng hấp thu, phân bố, chuyển hóa và bài tiết các thuốc giảm, khác nhiều so với người trẻ, nên khi điều trị các thuốc, đặc biệt là thuốc hướng tâm thần cần chú ý đến dược động học, nhằm tránh được các tác dụng không mong muốn, thậm chí cả biến chứng nặng xảy ra.
bí quyết nấu ăn
=>Mời bạn chia sẽ đóng góp ý kiến cho bài viết |
Đăng ký nhận bài miễn phí
|